1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Nỗi lo giá nhà tiếp tục tăng cao

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Chủ tịch HoREA lo giá nhà tiếp tục tăng do thị trường mất cân đối nguồn cung. Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch triển khai, đẩy mạnh các phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội.

Nguồn cung mất cân đối, giá nhà tăng

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - bày tỏ nỗi lo thị trường bất động sản TPHCM năm nay có thể tiếp tục mất cân đối cung cầu nhà ở.

Nguồn cung nhà ở thiếu hụt dẫn tới giá nhà có thể bị đẩy lên cao hoặc neo giá cao, trong bối cảnh nhà ở bình dân, nhà ở xã hội ngày càng khan hiếm. Ý kiến được ông nêu trong tham luận trình bày tại hội thảo về quản lý đất đai ở TPHCM.

Số liệu tổng hợp của HoREA cho thấy 71% nguồn cung thị trường nhà ở TPHCM thuộc phân khúc cao cấp, còn lại là nhà ở trung cấp, tại cuối năm 2023. Cũng do vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn nên TPHCM có 148 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội chưa thể hoàn thành thủ tục đầu tư, xây dựng, kinh doanh hoặc bị dừng triển khai. Từ đó, hơn 58.000 khách hàng mua nhà tại các dự án chưa được cấp "sổ hồng".

Ông Châu cho rằng thị trường sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2025 nếu được "tiếp sức" bằng việc Quốc hội sẽ cho phép áp dụng sớm 6 tháng kể từ ngày 1/7/2024 đối với Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và dự kiến xem xét 2 dự thảo Nghị quyết thí điểm của Quốc hội.

Đồng thời, các Bộ, ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản nỗ lực thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030. Đến nay, hơn 10 tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn đã cam kết thực hiện 1,6 triệu căn nhà ở xã hội nhằm thực hiện chương trình này.

Không chỉ ông Châu, nhiều báo cáo và chuyên gia cũng từng đưa ra số liệu giá nhà tăng liên tục trong nhiều năm qua. Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) từng chỉ ra trong 10 năm (2013-2023), giá địa ốc đã tăng hàng chục lần.

Riêng năm 2021, giá nhà bình quân đã tăng trưởng 2 chữ số, thậm chí gấp nhiều lần so với cùng kỳ. Lãi suất thấp cùng với lạm phát cao kỷ lục là những yếu tố góp phần làm giá nhà tăng mạnh, nhưng cốt lõi của vấn đề là tình trạng sụt giảm nguồn cung.

Đơn vị này từng ước tính mỗi năm, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 300.000 đơn vị nhà ở do phát sinh thêm các hộ gia đình thành thị mới, đặc biệt là từ nhu cầu "ra ở riêng" của thế hệ trẻ tách từ các đại gia đình. Do sự thiếu hụt này, đặc biệt là thiếu hụt nhà ở giá phù hợp, giá nhà sẽ còn tăng cao hơn.

Một số chuyên gia còn cho rằng khi Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có hiệu lực, giá nhà cũng sẽ tăng. Có nhiều nguyên nhân, trong đó một lượng lớn đất chưa cấp sổ sẽ được hợp pháp hóa sau năm 2025 sẽ khiến thị trường có quỹ đất giá rẻ, gia tăng nguồn cung và tác động lên mặt bằng giá đất.

Nỗi lo giá nhà tiếp tục tăng cao - 1

Giá nhà ở được dự báo tiếp tục tăng (Ảnh minh họa: Hải Long).

Lời hồi đáp từ doanh nghiệp

Năm nay, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra dự đoán thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi, niềm tin người mua nhà quay trở lại, lãi suất cho vay ở mức thấp. Tuy nhiên, thị trường cũng còn tồn tại nhiều thách thức liên quan pháp lý dự án, chênh lệch nguồn cung...

Một vài doanh nghiệp đã công bố chương trình, chiến lược hành động, trong đó tập trung hoàn thiện pháp lý dự án, chú trọng triển khai sản phẩm ở phân khúc giá hợp lý, vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu số đông người dân. Một số doanh nghiệp cũng chú trọng đầu tư các sản phẩm nhà ở xã hội.

Đầu năm nay, Vinhomes khởi công 2 dự án nhà ở xã hội ở Hải Phòng và Khánh Hòa, song song với việc hoàn thiện thủ tục pháp lý. Chia sẻ tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên, Chủ tịch Vinhomes Phạm Thiếu Hoa cho biết một số dự án trọng điểm khác đang trong quá trình triển khai pháp lý và cân nhắc thời điểm giới thiệu ra thị trường.

Còn ông Nguyễn Bá Sáng - Chủ tịch Công ty bất động sản An Gia - cho biết chú trọng phát triển phân khúc bất động sản tầm trung vì đúng nhu cầu thị trường cần. Nếu thị trường trải qua giai đoạn khó khăn hay đóng băng, phân khúc phục hồi đầu tiên cũng là nhà ở tầm trung, vừa túi tiền.

Do đó, công ty này sẽ kiên định đi theo phân khúc trên, chú trọng phát triển thêm quỹ đất. Năm nay, công ty dự kiến mở bán dự án ở Bình Dương với khoảng 3.000 sản phẩm phân khúc tầm trung.

Công ty Nam Long truyền thống hơn 30 năm phát triển nhà ở dễ sở hữu cũng dự kiến ghi nhận doanh thu năm nay từ các dự án trọng điểm ở Cần Thơ, TPHCM, Long An. Công ty cũng tập trung "mở khóa" pháp lý các dự án trọng điểm ở Đồng Nai, Long An. 

Chủ tịch Nam Long xác định chiến lược "chỉ bán thứ thị trường cần", tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và phù hợp nhu cầu thị trường.