1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Châu Âu tung loạt giải pháp để thu hút lao động di cư, chống làm "chui"

Hạ Di

(Dân trí) - Nghị viện châu Âu sẽ đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với visa (thị thực) làm việc và cư trú nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các công dân nước ngoài muốn làm việc và sinh sống tại EU.

Trong phiên họp tại Strasbourg mới đây, Nghị viện châu Âu nhất trí với đề xuất đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với thị thực làm việc và cư trú nhằm thu hút lao động nhập cư vào các nước ở châu Âu. Trong đó, những thay đổi sẽ không áp dụng cho Đan Mạch và Ireland.

Châu Âu tung loạt giải pháp để thu hút lao động di cư, chống làm chui - 1

EU sẽ đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính để thu hút lao động nước ngoài đến làm việc tại các quốc gia châu Âu (Ảnh minh họa: AFP).

Chỉ thị này sẽ giảm thời gian đưa ra quyết định cho người nộp đơn xin thị thực, từ 4 tháng xuống còn 3 tháng. Tuy nhiên, nếu vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài thêm 30 ngày.

Theo những thay đổi này, các cá nhân có giấy phép cư trú hợp lệ tại EU (liên minh châu Âu) giờ đây có thể nộp đơn xin "single permit directive" (SPD) để thay đổi tình trạng pháp lý của mình mà không cần quay trở lại quê hương.

"Single permit directive" là giấy phép cư trú do cơ quan có thẩm quyền của một Quốc gia Thành viên EU cấp, sau một thủ tục nộp đơn duy nhất, cho phép công dân nước thứ ba cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của mình với mục đích làm việc.

Ngoài ra, trong trường hợp người lao động nước ngoài muốn thay đổi chủ lao động, nghề nghiệp hoặc lĩnh vực làm việc, các cơ quan phải phản hồi trong vòng 45 ngày. 

Các nước thuộc EU có thể cấm người lao động nước ngoài thay đổi người sử dụng lao động trong 6 tháng đầu tiên, ngoại trừ trường hợp người sử dụng lao động vi phạm hợp đồng lao động, chẳng hạn như áp đặt các điều kiện làm việc theo kiểu bóc lột.

Bên cạnh đó, người lao động nước ngoài, có SPD, khi bị thất nghiệp sẽ có tối đa 3 tháng để tìm việc làm mới, để tránh việc bị thu hồi giấy phép. Đối với những người có giấy phép mang hiệu lực trên 2 năm, thời gian này kéo dài đến 6 tháng.

"Việc thay đổi này sẽ hỗ trợ người lao động từ các nước thứ ba đến châu Âu làm việc một cách an toàn. Các công ty ở châu Âu cũng sẽ tìm được những người lao động họ thật sự cần. 

Đồng thời, chúng tôi sẽ tránh và ngăn chặn được tình trạng bóc lột lao động bằng cách tăng cường quyền của người lao động ở các nước thứ ba, bảo vệ họ khỏi bị lạm dụng một cách hiệu quả hơn", MEP Javier Moreno Sanchez, báo cáo viên, nói.

Đây không phải là lần đầu tiên EU thúc đẩy các đề xuất mở cửa thị trường việc làm cho lao động nước ngoài.

Tháng 11/2023, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra một loạt các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nước thứ ba đến làm việc tại EU bằng con đường di cư hợp pháp; giải quyết tình trạng thiếu lao động và kỹ năng tại các quốc gia thuộc EU.

Theo phó chủ tịch Ủy ban về Thúc đẩy lối sống châu Âu, Margaritis Schinas, vào năm 2023, trong số 3,5 triệu người vào châu Âu hợp pháp, chỉ có 1,2 triệu người có thị thực lao động. 

Để ngăn chặn nhiều người đi biển và mạo hiểm mạng sống khi đến châu Âu, họ cần một con đường an toàn hơn nhiều bằng cách phát triển các chính sách nhập cảnh hợp pháp, chẳng hạn như xin thị thực lao động.

Theo dữ liệu của Eurostat , tỷ lệ thất nghiệp trên toàn EU vẫn ở mức thấp (6%) trong khi tỷ lệ việc làm trống vẫn ở mức gần 3%. Điều này đồng nghĩa với việc châu Âu đang phải "vật lộn" để lấp đầy lực lượng lao động của. Hơn nữa, xu hướng già hóa ở châu Âu dự kiến sẽ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến sự sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động.

Trong khi đó, việc tuyển dụng lao động nước ngoài vẫn gặp nhiều hạn chế do rào cản ngôn ngữ và thủ tục hành chính.