1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Doanh nghiệp trả lương 230 triệu đồng/tháng, lao động Việt bị loại cay đắng

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Các doanh nghiệp ở TPHCM có nhu cầu tuyển gần 3.000 vị trí lương cao nhưng chỉ có gần 100 hồ sơ ứng tuyển, doanh nghiệp không tuyển được người Việt nên phải tuyển lao động nước ngoài.

Lương cao kèm điều kiện "đánh đố"

Người lao động vào mục "Tuyển dụng theo Nghị định 70" trên Cổng thông tin của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM (https://vieclamhcm.com.vn) có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều thông tin tuyển dụng mức lương cao, từ vài chục đến cả trăm triệu đồng/tháng.

Đơn cử, công ty TNHH Nobland Việt Nam thông báo tuyển nhiều vị trí như chuyên gia theo dõi đơn hàng với mức lương 80 triệu đồng/tháng, chuyên gia kế hoạch sản xuất với mức lương 60 triệu đồng/tháng, chuyên gia thiết kế may mẫu với mức lương 85 triệu đồng/tháng…

Hầu hết các vị trí này chỉ đòi hỏi trình độ cử nhân chuyên ngành phù hợp với vị trí công việc và có từ 3 năm kinh nghiệm trở lên. Yêu cầu trình độ khá dễ dàng nhưng doanh nghiệp có thêm điều kiện là ứng viên phải thông thạo đa ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc để thuận tiện trong giao tiếp, đàm phán và thuyết phục khách hàng.

Doanh nghiệp trả lương 230 triệu đồng/tháng, lao động Việt bị loại cay đắng - 1

Trên cổng thông tin của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM có nhiều đơn tuyển dụng hấp dẫn (Ảnh chụp màn hình: Tùng Nguyên).

Công ty Porters Aisia Việt Nam tuyển trưởng phòng bán hàng và marketing với mức lương 80 triệu đồng/tháng. Yêu cầu về trình độ là có bằng đại học tại nước ngoài chuyên ngành tiếng Trung Quốc hoặc kinh tế và tối thiểu 3 năm kinh nghiệm cùng vị trí ở công ty có vốn nước ngoài.

Tuy nhiên, công ty này đưa thêm 1 điều kiện làm hạn chế rất nhiều lao động khác là có tối thiểu 1 năm làm việc ở Porters Corporation tại Nhật Bản. Công ty cũng yêu cầu ứng viên phải thành thạo tiếng Nhật và tiếng Trung.

Công ty TNHH Coach Việt Nam tuyển giám đốc phát triển sản phẩm giày và túi da với mức lương lên đến 230 triệu đồng/tháng.

Công ty yêu cầu ứng viên phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực quản lý, phát triển và sản xuất các sản phẩm giày và túi xách da thuộc tại các công ty chuyên về thời trang cao cấp. Về ngoại ngữ, phải thông thạo tiếng Hàn và tiếng Anh thương mại cao cấp để đàm phán, trao đổi với đồng nghiệp, đối tác, nhà cung cấp, khách hàng…

Dù mức lương của các vị trí tuyển dụng trên rất hấp dẫn nhưng theo thống kê trực tuyến của cổng thông tin, các đơn tuyển hầu hết chỉ có vài khách xem, nhiều nhất là vài chục lượt khách xem.

 Chưa có người trúng tuyển

Theo quy định tại Nghị định 70/2023/NĐ-CP, từ ngày 1/1/2024, các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài thì doanh nghiệp phải thông báo công khai tuyển dụng trong vòng 15 ngày, nếu không tuyển được lao động Việt đạt yêu cầu mới được phép tuyển dụng người nước ngoài vào làm việc tại các vị trí này.

Doanh nghiệp trả lương 230 triệu đồng/tháng, lao động Việt bị loại cay đắng - 2

Không tuyển được lao động Việt đạt yêu cầu mới được phép tuyển dụng người nước ngoài (Ảnh minh họa: KB).

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, từ ngày 1/1 đến 5/3, trung tâm đã thực hiện tiếp nhận 2.009 doanh nghiệp thông báo tuyển dụng lao động Việt Nam (lao động chất lượng cao) vào 2.976 vị trí dự kiến tuyển dụng lao động người nước ngoài theo Nghị định 70.

Hiện trên cổng thông tin của trung tâm còn gần 1.000 vị trí, chức danh công việc là quản lý, chuyên gia, lao động chuyên môn kỹ thuật còn trong thời hạn tuyển dụng người lao động Việt Nam (15 ngày kể từ ngày đăng tuyển trên cổng thông tin), mức lương trung bình là 50 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, thống kê của trung tâm cho thấy chỉ có gần 100 lượt lao động Việt Nam tương tác ứng tuyển nhưng chưa có người trúng tuyển vào các vị trí tuyển dụng.

Theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động Việt ít quan tâm đến các thông tin tuyển dụng hấp dẫn trên.

Thứ nhất là một phần người lao động Việt Nam chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp chưa biết nhiều về thông tin này. Do đó, cần tuyên truyền nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Thứ hai là yêu cầu của nhà tuyển dụng cao, khắt khe, cộng gộp nhiều yếu tố dẫn đến người lao động Việt Nam chưa tiếp cận được các vị trí việc làm đang tuyển dụng.

Tiêu biểu như đề nghị tuyển trưởng phòng bán hàng và marketing của công ty Porters Aisia Việt Nam. Yêu cầu kinh nghiệm của công ty này là có tối thiểu 1 năm làm việc ở Porters Corporation tại Nhật Bản đã loại hết các ứng viên ngoài tập đoàn này.

Tại hội nghị về lao động nước ngoài đầu tháng 3 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức, đại diện một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đánh giá quy trình đăng tuyển theo Nghị định 70 còn mang tính hình thức, gây lãng phí thời gian và chi phí cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý lao động, chưa phát huy được hiệu quả sử dụng lao động Việt chất lượng cao.

Hiện TPHCM có gần 30.000 lao động nước ngoài được cấp giấy phép làm việc. Theo quy định, chỉ khi doanh nghiệp không tuyển được lao động Việt đạt yêu cầu cho những vị trí việc làm này thì mới được phép tuyển lao động nước ngoài.

Các thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí việc làm trên tại địa bàn TPHCM được Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM đăng tải hằng ngày trên cổng thông tin điện tử của trung tâm là https://vieclamhcm.com.vn.