Tâm điểm
Hữu Bình

Cầu thủ "bay lắc" và bóng ma tiêu cực sân cỏ

Sự việc 5 cầu thủ câu lạc bộ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh sử dụng trái phép chất ma túy đã gây chấn động giới bóng đá nước nhà. Buồn chứ, khi trong số ấy có cầu thủ từng giành Quả bóng vàng Việt Nam, có cả cầu thủ U23 quốc gia giàu triển vọng. Nó cũng đồng thời gợi nên mối lo, sự ám ảnh về "bóng ma tiêu cực" bấy lâu đã hủy hoại, cản trở đà phát triển của bóng đá nước nhà.

Bóng ma tiêu cực vẫn còn đấy

Nhường điểm, "đi đêm" giữa các đội; dàn xếp tỷ số giữa các lãnh đạo thể thao hoặc câu lạc bộ, rồi dàn xếp tỷ số giữa các nhóm cầu thủ hay giữa một số cầu thủ với đường dây cá độ bên ngoài; mua chuộc trọng tài… ở các giải lớn; đánh tráo người và gian lận tuổi ở các giải trẻ… Đấy là còn chưa kể tới bạo lực sân cỏ cũng như sự ứng xử tiêu cực của không ít cổ động viên với các giải đấu. Vô vàn kiểu tiêu cực đã bị phát hiện và xử lý trong bóng đá nước nhà khoảng 3 thập kỷ qua. Nhưng không ai có thể xác định được tiêu cực bắt đầu từ bao giờ.

Cầu thủ bay lắc và bóng ma tiêu cực sân cỏ - 1

Nguyễn Trung Học trong màu áo Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (Ảnh: Hoài Anh).

Trong thập niên 1980, các nghi án móc ngoặc, dàn xếp kết quả giữa các đội bóng thường chỉ dừng lại ở dấu hiệu (thi đấu với phong độ bất thường hoặc những sai sót ngớ ngẩn của các cầu thủ), và câu hỏi quen thuộc là "chứng cứ đâu?". Một số lãnh đạo đội bóng khi ấy cũng chính là lãnh đạo ngành thể dục thể thao địa phương khá nổi tiếng, nhờ có mối quan hệ đến mức… có thể ảnh hưởng tới kết quả của nhiều trận đấu.

Sang giữa thập niên 1990, tại vòng bảng Tiger Cup 96, huấn luyện viên Karl Heinz Weigang từng nổi giận quát vào mặt 5 tuyển thủ quốc gia khi ấy: "Các anh bán trận này được bao nhiêu tiền?". Mặc dù sự việc sau đó được dàn xếp và chung cuộc đội tuyển vẫn giành huy chương đồng, nhưng huấn luyện viên Weigang đã quyết định ra đi ngay sau giải đấu, khi niềm tin vào các học trò không còn nữa.

Trong khi ấy, ở giải vô địch quốc gia (VĐQG), vụ việc tiền vệ Lã Xuân Thắng (Công an Hà Nội) quay người sút thẳng về lưới nhà trong trận CAHN - An Giang ở giải VĐQG được xem là "cộm" nhất. Xuân Thắng sau đó chỉ úp mở phân trần: "Tôi làm vậy không phải vì mình tôi đâu", còn Liên đoàn bóng đá Việt Nam thì ra án treo giò vĩnh viễn, dù không có bằng chứng nào về vụ dàn xếp tỷ số này cả.

Giai đoạn cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000 cũng phát hiện rất nhiều vụ tiêu cực ở các giải bóng đá trẻ, đặc biệt là các vụ làm giả hồ sơ, đánh tráo cầu thủ, gian lận tuổi…, tất cả đều bởi bệnh thành tích của ngành thể dục thể thao các địa phương.

Giai đoạn đen tối nhất của bóng đá Việt Nam là giữa thập niên 2000, khi hàng loạt nghi án mua chuộc trọng tài, dàn xếp tỷ số ở giải VĐQG bị phanh phui (có cả đường dây "trọng tài đen" tới 17 người, đứng đầu là trọng tài Lương Trung Việt), cùng lúc vụ 7 tuyển thủ U23 (đa số cũng là tuyển thủ quốc gia) nhận tiền dàn xếp trận Việt Nam "chỉ" thắng 1-0 trước Myanmar ở vòng bảng SEA Games 23 (2005) bị phát hiện. Cả nền bóng đá điêu đứng, khan hiếm trọng tài giỏi, nhiều nhà tài trợ quay lưng, nhiều sân bóng gần như bị khán giả tẩy chay.

Sau cuộc "đại phẫu" ấy, ai cũng hy vọng bóng đá Việt Nam sẽ làm lại với sự quyết tâm và đồng bộ từ Liên đoàn, ban tổ chức các giải đấu tới các câu lạc bộ, ngành thể dục thể thao các địa phương, đặc biệt là khi hệ thống bóng đá chuyên nghiệp được vận hành bởi công ty VPF. Nhưng thực tế không được như kỳ vọng. Nhóm cầu thủ trụ cột (và cả một số dự bị) của câu lạc bộ Vissai Ninh Bình nhận tiền dàn xếp tỷ số ở AFC Cup 2014. Bức xúc và chán nản, nhà tài trợ chính tuyên bố "buông" và câu lạc bộ mau chóng giải thể sau đó…

Không lâu sau, tới vụ việc nhóm cầu thủ Đồng Nai bị phát hiện nhận tiền dàn xếp tỷ số trận gặp Than Quảng Ninh tại V.League…

Cầu thủ bay lắc và bóng ma tiêu cực sân cỏ - 2

Thủ môn Dương Quang Tuấn (áo xanh lá cây) và tiền vệ Đinh Thanh Trung (Ảnh: Hoài Anh)

Mới đầu năm nay, nhóm 5 cầu thủ của Bà Rịa Vũng Tàu (đang thi đấu tại giải hạng Nhất) bị phát hiện đánh bạc với hành vi đá dưới sức mình để… đội mình thua, đội đối thủ thắng, còn bản thân họ thì… thắng to khi đã đặt cược cho… đối phương. Trước đó nữa, cũng ở mùa này, đội Đồng Nai - một tân binh hạng Nhất - vừa phải nghiến răng loại 4 cầu thủ có nghi vấn chơi dưới sức bất thường.

Giờ đây là câu chuyện của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, một đội bóng đang thi đấu tại V.League - giải đấu cấp cao nhất của bóng đá nước nhà; trong đó cái tên Đinh Thanh Trung - Quả bóng vàng VN 2017 - đã gây bất ngờ cho tất cả!

Trách nhiệm của ai?

Tại các giải đấu, cầu thủ không chỉ là người lao động bình thường, những "ngôi sao" trong số đó còn nghiễm nhiên trở thành những "người của công chúng", thậm chí là những "thần tượng" của không ít người. Không quá lời khi nói cầu thủ là trung tâm của cả hệ thống bóng đá, bên cạnh các mối quan hệ chằng chịt với ban tổ chức giải, trọng tài, người hâm mộ, đội ngũ báo chí - truyền thông…

Bởi thế, việc đào tạo và huấn luyện cầu thủ về chuyên môn cũng cần thiết như giáo dục để họ là những công dân tốt, cần thiết trước khi họ trở thành cầu thủ giỏi.

Thu nhập của các cầu thủ chuyên nghiệp tăng cao đáng kể so với 2-3 thập kỷ trước. Nhưng việc ngay cả các tuyển thủ, cựu tuyển thủ quốc gia cũng dính vào ma túy, đánh bạc, cá độ ngoài luồng… cho thấy không chỉ sự thiếu chuyên nghiệp về chuyên môn (không hơn gì so với thế hệ cha anh họ) mà cả sự buông thả, thiếu rèn luyện trong cuộc sống, sinh hoạt cá nhân. Tư duy dễ dãi ấy sẽ khiến họ dễ bị lung lạc, mua chuộc, tự sa ngã.

Đương nhiên, việc của Liên đoàn, của ban kỷ luật hay các ban tổ chức giải là xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với trường hợp vi phạm. Việc của các trọng tài là sẽ phải nghiêm khắc hơn tại các giải đấu để hạn chế bạo lực sân cỏ, và giáo dục ý thức thi đấu fair-play của các cầu thủ. Việc của báo chí là phê phán các hiện tượng xấu.

Nhưng suy xét cho cùng, cái gốc của vấn đề vẫn nằm ở chính các câu lạc bộ - nơi chịu trách nhiệm quản lý, giáo dục, đào tạo, huấn luyện các cầu thủ. Câu hỏi đặt ra là, liệu lãnh đạo của các câu lạc bộ đã thật sự mang tư duy phát triển bền vững, qua đó quan tâm tới công tác giáo dục - đào tạo cầu thủ ngay từ khi họ còn là vận động viên năng khiếu hay chưa? Liệu các huấn luyện viên đã thật sự gương mẫu, luôn là tấm gương phấn đấu, nghiêm khắc trong giáo dục và huấn luyện cầu thủ?

Liệu cái gọi là "tính chuyên nghiệp" đã thật sự được lãnh đạo câu lạc bộ cũng như huấn luyện viên quan tâm, dành thời gian giáo dục đối với các cầu thủ, hay chấp nhận "cầu thủ chuyên nghiệp Việt Nam chỉ là những người… nghiệp dư hưởng lương cao"?

Bóng ma tiêu cực chưa biến mất. Nó lởn vởn đâu đó và đe dọa có thể phá hủy một sự nghiệp, thậm chí là một đội bóng hay một nền bóng đá. Trước hết giới bóng đá hãy cảnh giác và tự nhìn nhận lại chính mình.

Tác giả: Nhà báo Hữu Bình hiện công tác tại Trung tâm Thông tin - Truyền thông Thể dục thể thao (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch). Ông từng có nhiều năm phụ trách Ban nội dung của Báo Thể thao TPHCM và Tạp chí Thể thao; Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!